image banner
Lào Cai 23° - 24°
Phát triển ngành hàng quế bền vững, hướng đi cấp thiết giữ ổn định vùng nguyên liệu và gia tăng giá trị

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc - nơi giao thoa giữa 2 miền khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới với hệ thực vật vô cùng phong phú, đây là lợi thế về điều kiện tự nhiên cho sự sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng giá trị cao, trong đó có cây quế. Cây quế tại tỉnh Lào Cai được người dân chủ động đưa vào trồng và phát triển tại một số xã vùng thấp (thuộc các huyện: Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng) từ năm 1974. Đến nay trải qua 50 năm, diện tích cây quế toàn tỉnh đã đạt trên 60.980 ha, trong đó diện tích cây quế được mở rộng nhất vào giai đoạn năm 2014-2018.

anh tin bai
Ảnh: Vùng mầu đỏ - phân bố diện tích trồng quế tỉnh Lào Cai

Năng suất, chất lượng sản phẩm quế của tỉnh Lào Cai thuộc tốp cao so với các tỉnh trồng quế trên cả nước, qua phân tích đánh giá mẫu quế Lào Cai, hàm lượng tinh dầu quế đạt 4,6% tức là trong 100 kg quế có 4,6 kg tinh dầu. Năm 2024, sản lượng thu hoạch từ cây quế trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 141.000 tấn cành lá, chiết xuất trên 450 tấn tinh dầu, 32.000 tấn vỏ và trên  52.000 m3 gỗ. Ước tính năm 2024 giá trị thu được từ ngành hàng quế đạt trên 1.318 tỷ đồng, trong đó, giá trị thu được từ bán sản phẩm (cành lá, vỏ tươi, gỗ) đạt ≈ 973 tỷ; giá trị gia tăng sau chế biến (gồm tinh dầu, vỏ, bột quế...) đạt 345,2 tỷ đồng. 

anh tin bai

Ảnh: Rừng quế cộng đồng tại thôn Nậm Đét, huyện Bắc Hà

Từ những phân tích trên nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của ngành hàng quế tỉnh Lào Cai là rất lớn. Do đó, để duy trì phát triển ngành hàng một cách bền vững thì việc phát triển ngành hàng quế theo hướng hữu cơ chính là chìa khóa then chốt giúp sản phẩm từ cây quế tỉnh Lào Cai phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, giúp quế Lào Cai thâm nhập thị trường cao cấp với giá bán tăng từ 20-40%, giảm thiểu chi phí đầu vào do hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Về mặt môi trường, phương pháp này bảo vệ đất đai khỏi thoái hóa, duy trì nguồn nước sạch và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, mô hình này tạo việc làm ổn định, nâng cao vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số trong chuỗi giá trị, đồng thời bảo tồn được bản sắc văn hóa địa phương thông qua các sản phẩm quế đặc trưng. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường hữu cơ toàn cầu không ngừng tăng trưởng, việc phát triển quế hữu cơ sẽ giúp tỉnh Lào Cai xây dựng thành công thương hiệu nông sản chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định lâu dài cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Hiện nay có nhiều cách thực hiện canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của từng nước nhập khẩu, tuy nhiên canh tác hữu cơ được thực hiện dựa trên các nguyên tắc chính như: Không sử dụng phân bón hóa học; Hạn chế thuốc bảo vệ thực vật hóa học; Bảo vệ thảm thực vật tự nhiên; Quản lý nguồn nước hợp lý … Để người dân hiểu và thực hành nghiêm các quy tắc trên thì việc tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ vật tư, tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tọa đàm … là rất cần thiết.

Trong thời gian vừa qua tỉnh Lào Cai đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân mở rộng vùng nguyên liệu quế hữu cơ. Điển hình trong năm 2024-2025, tại huyện Văn Bàn hỗ trợ thành lập 14 tổ nhóm với 879 thành viên, có 485 người được đào tạo về canh tác hữu cơ, nắm vững quy trình từ trồng đến thu hoạch theo tiêu chuẩn về canh tác bền vững (Organic/RA). Sau khóa hỗ trợ, 100% thành viên tham gia được hướng dẫn ghi chép sổ tay nông hộ để đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ.

anh tin bai
Ảnh: Các thành viên tổ nhóm tập huấn kiểm tra, ghi chép sổ tay nông hộ

Sau thời gian triển khai, mô hình trồng quế hữu cơ tại huyện Văn Bàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Người dân đã ý thức được lợi ích của canh tác hữu cơ và chủ động áp dụng các phương pháp bền vững vào sản xuất, năng suất và chất lượng cây quế được nâng cao. Việc giảm phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật góp phần cải thiện chất lượng đất và nguồn nước, hệ sinh thái được bảo vệ tốt hơn. Đối với sản phẩm quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ do hộ gia đình trồng quế tại huyện Văn Bàn thực hiện liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam Vinasamex được giao dịch theo phương thức “Giá thu mua theo giá thị trường và thưởng thêm 1.500-2.000 đồng/kg so với quế thường, bên cạnh lợi ích về giá bán thì lợi ích cộng gộp đó là doanh nghiệp liên kết sẽ luôn ưu tiên thu mua nguyên liệu của các hộ liên kết trong trường hợp giá thị trường đi xuống, nhu cầu thu mua giảm”. Việc trồng quế hữu cơ đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất của người dân và hơn hết góp phần gia tăng giá trị và giữ ổn định cho các sản phẩm quế.

anh tin bai
Ảnh: Sản phẩm quế hữu cơ do Công ty Quế hồi Việt Nam Vinasamex chế biến

Theo Kế hoạch, hết năm 2025 tỉnh Lào Cai phấn đấu có thêm 1.000 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nâng tổng diện tích quế hữu cơ toàn tỉnh lên 5.450 ha, từng bước đạt mục tiêu đến năm 2050 có trên 50% diện tích quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS). Với mục tiêu và kế hoạch nêu trên, cùng với sự quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và người dân thì mọi khó khăn sẽ được khắc phục. Từ đó ổn định vùng nguyên liệu, thu hút nhiều doanh nghiệp, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cây quế, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, hình thành các khu chế xuất quế quy mô lớn, hiện đại./.

Trần Đăng Khoa - Chi cục Kiểm lâm
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập