Chương trình “Mỗi xã một sản
phẩm” được triển khai thực hiện tại tỉnh Lào Cai từ tháng 9/2018. Từ đó đến
nay, Lào Cai đã tổ chức 8 đợt đánh giá và có được 102 sản phẩm được công nhận,
đạt 155% so với mục tiêu đến năm 2020. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã công nhận các sản phẩm có chất lượng,
an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, khắc phục được thực trạng bán sản phẩm
thô chưa qua chế biến, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đồng thời bảo tồn kỹ thuật,
công nghệ, bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển các danh lam thắng cảnh ở
khu vực nông thôn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đóng góp vào những
kết quả đó, không thể không nhắc đến đồng chí Nguyễn Hữu Trường, Tổ trưởng Tổ
giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai, Phó Chi cục
trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào
Cai.
Đồng
chí Nguyễn Hữu Trường (trái ảnh) kiểm tra tại HTX Bình Phú sản phẩm Nấm đạt OCOP 3 sao
tại xã Liêm Phú huyện Văn Bàn
Nhận thấy sự vào cuộc của bộ
máy chính quyền các cấp có vai trò rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều
hành thực hiện Chương trình OCOP, đồng
chí Nguyễn
Hữu Trường đã tham mưu cho UBND tỉnh
bổ sung nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP vào quy chế hoạt động của Ban Chỉ
đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, đây là nền móng cho việc chỉ đạo thực hiện
Chương trình được thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc hướng dẫn các chủ
thể sản xuất xây dựng sản phẩm dự thi Chương trình OCOP. Theo đồng chí Nguyễn Hữu
Trường, Lào Cai là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu
vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên
liệu, văn hóa) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp
phần xây dựng nông thôn mới. “Do là một trong các tỉnh “tiên phong” nên khi thực
hiện chương trình gặp không ít khó khăn. Thời điểm đó, kinh nghiệm thực hiện
chương trình là con số 0, các thành viên trong Tổ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm,
phải vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Chủ thể của chương trình là các
doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất khi ấy cũng chưa hiểu thế nào là một
sản phẩm OCOP và làm thế nào để có một sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Những
sản phẩm OCOP đầu tiên, các thành viên trong Tổ giúp việc phải phân công để đồng
hành cùng các chủ thể, hoàn thiện hồ sơ dự thi, từng chi tiết rất nhỏ trên bao
bì sản phẩm như logo, hạn sử dụng, trọng lượng tịnh, tem truy xuất nguồn gốc sản
phẩm đến hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm”
– đồng chí Nguyễn Hữu Trường
chia sẻ.

Đồng
chí Nguyễn Hữu Trường thẩm định Sản phẩm tinh Dầu Đại Từ Bi tại HTX nông lâm
nghiệp Thế Tuấn
tại xã Chiềng Ken huyện Văn Bàn
Sau 6 tháng triển khai thực
hiện, tháng 3/2019, Lào Cai có 10 sản phẩm OCOP của Lào Cai trong đợt công nhận
đầu tiên chính thức được “trình làng”. “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, từ những sản phẩm
đầu tiên với vô vàn những khó khăn, bỡ ngỡ, những sản phẩm hàng hóa từ khu vực
nông thôn tiếp tục được xây dựng thành sản phẩm OCOP với những kinh nghiệm,
cách làm sáng tạo, luôn hỗ trợ sâu xát với các chủ thể để có thêm nhiều sản phẩm
mới chất lượng. Đồng hành cùng chương trình từ khi xây dựng những sản phẩm OCOP
trong đợt công nhận đầu tiên, đồng chí Trường cho rằng: “Lào Cai có rất nhiều sản
phẩm đặc thù, thế mạnh có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP ở cả trong 6 nhóm
ngành gồm: Thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu,
dịch vụ du lịch. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng một sản phẩm thành sản phẩm
OCOP, chúng tôi thực hiện theo phương châm chú trọng lấy “cái tâm của người làm
sản phẩm” để duy trì và gây ấn tượng, lòng tin của người tiêu dùng, bởi vậy những sản phẩm khi được UBND
tỉnh công nhận đều là những sản phẩm có chất lượng, có uy tín với sự thẩm định
của nhiều cơ quan chuyên môn cũng như những tiêu chí chấm điểm theo Bộ tiêu
chí, qui định đánh giá sản phẩm OCOP Quốc gia. Trên thực tế, cũng có nhiều sản
phẩm còn chưa hoàn thiện chỉ tiêu nhỏ nhưng chúng tôi với quan điểm không châm
chước, không nhẹ tay bỏ qua mà căn cứ theo đúng bộ tiêu chí để chấm điểm. Đồng
thời những chỉ tiêu chấm điểm còn thiếu, chúng tôi hướng dẫn chủ thể hoàn thiện
để chấm lại, công nhận trong những đợt tiếp theo, quyết tâm không chạy theo
thành tích”…
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ
giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đồng chí Nguyễn Hữu Trường
cũng có nhiều sáng kiến liên quan đến thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”,
như đã
tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết số
12/2018/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích
phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Tham
mưu cho tỉnh xây dựng Đề án Chương trình OCOP, xây dựng phần mềm dữ liệu để quản
lý và chấm điểm OCOP, giảm thiểu về mặt hồ sơ, giấy tờ. Ông Nguyễn Hữu Trường
cũng là người đồng hành cùng nhiều chủ thể xây dựng thành công các sản phẩm
hàng hóa từ nông thôn trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai, chủ biên cuốn
“Sổ tay hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lào Cai”. Những
đóng góp của đồng chí Nguyễn
Hữu Trường đã được cấp trên ghi nhận và khen thưởng trong nhiều năm qua như: Bằng
khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bằng khen
của Thủ tướng Chính phủ…
Thúy Phượng