Thị xã Sa Pa- đơn vị dẫn đầu triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Chương
trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) là một Chương trình
phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự
sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị,
nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chương
trình OCOP của Việt Nam hướng đến 3 yêu cầu: Phát huy các tiềm năng, lợi thế và truyền
thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh
tế và văn hóa; phát huy sự sáng tạo và sức mạnh cộng đồng để tổ chức sản xuất
và hình thành các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng; phát triển liên kết theo
chuỗi giá trị để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm
hàng hóa.
Tùy
theo điều kiện, tiềm năng và lợi thế, các địa phương lựa chọn sản phẩm độc đáo,
mang nét đặc trưng của địa phương để ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP, vừa phát
triển kinh tế, vừa thúc đẩy sức sáng tạo, niềm tự hào của cộng đồng.
Quang cảnh Hội nghị đánh giá, phân hạng sản
phẩm OCOP cấp huyện tại Sa Pa
Là
địa phương có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh và đặc sản truyền thống, nên khi
triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Thị xã Sa Pa luôn xác định Chương
trình OCOP đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm,
cải thiện đời sống nhân dân góp phần xây dựng Nông thôn mới bền vững. Ngay từ
năm 2018, Sa Pa đã chủ động xây dựng Kế hoạch hằng năm, thành lập Ban chỉ đạo
và Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, xây dựng kế hoạch đánh
giá, phân hạng sản phẩm OCOP hằng năm để triển khai thực hiện chương trình, mời
PGS.TS.NGƯT Trần Văn Ơn – Tư vấn OCOP Quốc gia tổ chức tập huấn về xây dựng
Phương án sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm và xúc
tiến thương mại cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Sa Pa cũng là địa
phương đầu tiên trong tỉnh thí điểm hỗ trơ tư vấn xây dựng hồ sơ, phát triển
sản phẩm cho các chủ thể từ những năm đầu triển khai thực hiện.
Sản phẩm của Thị xã Sa Pa tham gia đánh giá
OCOP cấp tỉnh
Sau
hơn 3 năm triển khai thực hiện, Sa Pa là địa phương dẫn đầu về số lượng sản
phẩm từ 3 sao trở lên với 30 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có 08 sản
phẩm 4 sao (02 sản phẩm tiềm năng 5 sao đủ điều kiện đăng ký đánh giá cấp Quốc
gia) và 22 sản phẩm 3 sao với đầy đủ 6 nhóm ngành: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm-nội thất-trang trí; và dịch vụ Du lịch cộng đồng và điểm du
lịch. Nhiều sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đã khẳng định được
thương hiệu trên thị trường và được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước như các sản
phẩm Thảo dược của Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa, sản phẩm vải và may mặc của
Công ty TNHH TMTH Lan Rừng, Quả Su Su của Hợp tác xã Hoa Đào... và đặc biệt là
các sản phẩm cá Hồi của Trại cá Hồi Thức Mai (hộ kinh doanh Lê Trung Thức)
trước đây chỉ tập trung nuôi cá Hồi thương phẩm, nay đã đầu tư nhà xưởng, máy
móc thiết bị hiện đại phục vụ chế biến sâu, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm
cho bà con và chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, mặc
dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, nhưng hiện sản phẩm cá Hồi
của Trại cá Hồi Thức Mai đã có mặt ở 53 tỉnh thành trong cả nước, doanh thu
tăng gấp 3-4 lần so với trước khi được chứng nhận OCOP. Có thể nói, Chương
trình Mỗi xã một sản phẩm đã thổi một luồng gió mới trong tư duy sản xuất nông
nghiệp, chuyển dần từ nông nghiệp an sinh sang sản xuất hàng hóa, góp phần tái
cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Kế hoạch giai đoạn
2021-2025, thị xã Sa Pa sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 25 sản phẩm thế mạnh hiện có
của địa phương, tập trung nâng cấp các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, hình thành
ít nhất 5 sản phẩm mới, củng cố ít nhất 5 tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Tập
trung phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, ứng dụng
khoa học công nghệ đạt tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất và chế biến, tăng
cường quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xây dựng thương hiệu,
nhãn hiệu sản phẩm và hình thành các tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chặt
chẽ giữa các Công ty với Hợp tác xã, giữa các Hợp tác xã với các Tổ hợp tác và
các hộ dân.
Tiến Đạt – Chi cục Phát
triển nông thôn