Sự cần thiết phải Điều chỉnh Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Lào Cai
Sự cần thiết phải Điều chỉnh Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Lào Cai
Lào Cai là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Tây Bắc bộ, có vị trí địa lý thuận lợi giao lưu phát triển kinh tế, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Là một tỉnh duy nhất trong cả nước có cửa khẩu quốc tế quan trọng, là cầu nối giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN với thị trường rộng lớn Tây Nam - Trung Quốc.
Để quản lý, khai thác và phát huy tiềm năng từ đất, tháng 06 năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 2008 ¸ 2010 và đến 2015 (sau đây gọi tắt là Dự án tổng thể), đã được Tổng cục Quản lý đất đai thẩm định và UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt. Dự án đã xác định nhiệm vụ xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 ¸ 2010 và định hướng đến 2015.
Trong 3 năm thực hiện, Dự án tổng thể đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và khai thác có hiệu quả các sản phẩm của Dự án vào công tác chung của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đã tác động mạnh mẽ tới tình hình quản lý và sử dụng đất đai của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung, đòi hỏi phải quản lý đất đai đồng bộ, chính xác và hiệu quả hơn vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/200, 1/500, 1/1000, 1/2000, 1/5000, 1/10.000 ban hành theo quyết định số 08/2008/QĐ-BTNMT, ngày 10 tháng 11 năm 2008 (sau đây được gọi tắt là Quy phạm 2008) thay thế Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000, 1:10000 và 1:25000 ban hành kèm theo Quyết định số 720/1999/QĐ-ĐC ngày 30 tháng 12 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính; Thông Tư số 17/2010/TT-BTNMT ngày 04/10/2010 quy định kỹ thuật chuẩn dữ liệu địa chính; Thông tư số 21/2011/TT-BTNMT ngày 20/6/2011 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy phạm 2008; Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009, Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009, Thông tư số 20/2010/TT-BTNMT ngày 22/10/2010 Quy định bổ sung về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã làm thay đổi, biến động lớn về đối tượng, khối lượng đo vẽ bản đồ địa chính trên địa bàn toàn tỉnh, mặt khác trên địa bàn các xã của 9 huyện thành phố đã khai hoang, phục hóa đưa một phần diện tích đất chưa sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên khối lượng thực tế cần đo vẽ bản đồ tăng nhiều so với Dự án tổng thể. Một số khu vực đã được đo vẽ bản đồ địa chính từ năm 1992 đến năm 1996; bằng phương pháp bàn đạc giấy trắng hoặc toàn đạc và được thể hiện trên giấy ĐiAmat như: các xã thuộc huyện Bảo Thắng; một số xã, phường của thành phố Lào Cai (xã Hợp Thành, Đồng Tuyển, Cam Đường, Vạn Hòa, phường Bình Minh, Thống Nhất, Xuân Tăng, Nam Cường, Bắc Cường) đến nay đã có sự biến động lớn về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất … nhưng không được chỉnh lý biến động hàng năm; bằng phương pháp toàn đạc công nghệ số cho tỷ lệ 1/500 như: Thị trấn Phố Lu của huyện Bảo Thắng, phường Duyên Hải, Lào Cai, Cốc Lếu, Phố Mới, Kim Tân, Pom Hán, Bắc Lệnh của thành phố Lào Cai, còn lại tỷ lệ 1/1000, 1/5000 được đo bằng phương pháp bàn đạc giấy trắng hoặc toàn đạc. Khu vực đã được đo vẽ tỷ lệ 1/500 do phát triển đô thị tăng nhanh nên đến nay đã biến động lớn về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng v/v.
Đứng trước những vấn đề đặt ra trên đây và nhận thức được sự cần thiết của việc Điều chỉnh dự án tổng thể, sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Điều chỉnh Dự án “xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015 và sau năm 2015” theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai và Văn bản số 2951/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 11/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc rà soát, điều chỉnh Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.
Mục tiêu điều chỉnh Dự án tổng thể phải đáp ứng nhu cầu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trong thời kỳ đổi mới, đòi hỏi phải quản lý đất đai đồng bộ, chính xác và hiệu quả giúp cho các nhà quản lý các cấp nắm chính xác nguồn tài nguyên đất, làm cơ sở để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các khu dân cư, đường giao thông, thủy lợi, thiết kế các công trình dân dụng, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai và quản lý đất đai theo một hệ thống thống nhất chung.
Đối tượng đo vẽ bản đồ: căn cứ vào địa hình, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng về tư liệu, tài liệu bản đồ trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ của công tác đo đạc bản đồ của 98 xã còn lại trên địa bàn 6 huyện, thành phố được xác định là đo vẽ toàn bộ diện tích các loại đất chưa được đo vẽ chi tiết trên bản đồ địa chính ảnh và một phần diện tích đất đã giao trên bản đồ địa chính ảnh nhưng biến động mục đích sử dụng đất bao gồm: đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp chưa giao cho hộ gia đình cá nhân, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất ở nông thôn, đất chuyên dùng và một phần đất chưa sử dụng có khả năng đưa vào sử dụng.
Về tình hình triển khai thực hiện dự án tổng thể trong 3 năm 2008 đến năm 2010 cụ thể:
- Về đo đạc lập bản đồ địa chính.
+ Xây dựng lưới địa chính: 468 điểm/307 điểm đạt 152,4% kế hoạch giai đoạn 2008-2010; đạt 47,6% khối lượng Dự án được duyệt;
+ Đo vẽ bản đồ địa chính: 30.109,3 ha/ 24.875,0 ha đạt 121,0% kế hoạch giai đoạn 2008-2010; đạt 31,3% khối lượng Dự án được duyệt;
- Đăng ký đất đai, cấp giấy Chứng nhận, xây dựng cơ sở quản lý đất đai.
+ Cấp giấy Chứng nhận: 26.475 giấy/ 115.623 giấy đạt 22,9 % kế hoạch giai đoạn 2008-2010; đạt 13,4 % khối lượng Dự án được duyệt.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai: do Thiết kế kỹ thuật dự toán huyện Văn Bàn, Bảo Yên được phê duyệt trước năm 2008 vì vậy không đề cập công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.
- Kinh phí thực hiện Dự án tổng thể trong 3 năm 2008 - 2010: 29.556,3 triệu đồng (lưới địa chính: 1.241,3 triệu đồng; đo vẽ bản đồ địa chính: 25.542,0 triệu đồng; đăng ký đất đai, cấp giấy Chứng nhận: 2.772,9 triệu đồng); Trong đó:
+ Kinh phí Trung ương đã hỗ trợ: 15.500,0 triệu đồng.
+ Kinh phí địa phương đã cấp: 13.400,0 triệu đồng.
+ Kinh phí chưa được cấp: 656,3 triệu đồng.
Quy mô khối lượng điều chỉnh Dự án tổng thể năm 2011 - 2015 và giai đoạn sau năm 2015 đã được điều tra khảo sát, tổng hợp từ các Thiết kế kỹ thuật - Dự toán thành phần và dự kiến thực hiện như sau:
- Giai đoạn năm 2011 - 2015: Xây dựng lưới địa chính 516 điểm; đo đạc lập mới bản đồ địa chính 139.386,3 ha; đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính 31,2 mảnh cho 14586 thửa đất; chỉnh lý bản đồ tỷ lệ 1/10000, khối lượng 25,7 mảnh cho 11332 thửa đất; cấp mới giấy Chứng nhận 108191 giấy, số thửa tăng thêm 179996 thửa; cấp đổi giấy Chứng nhận 97070 giấy, số thửa tăng thêm 339732 thửa; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai 91 đối tượng quản lý cho 687444 thửa; lồng ghép kết quả kiểm kê đất tổ chức 2853 thửa đất; biên tập, in bản đồ địa chính từ tỷ lệ 1/2000, 1/5000 về tỷ lệ 1/1000, khối lượng 60009,3 ha; biên tập bản đồ tỷ lệ 1/10000 sau khi chỉnh lý, tiếp biên 52,2 mảnh; đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý giấy Chứng nhận và hồ sơ địa chính 10382 hồ sơ.
- Giai đoạn sau năm 2015: Đo đạc lập mới bản đồ địa chính 10.116,9 ha; chỉnh lý bản đồ tỷ lệ 1/10000, khối lượng 7,0 mảnh cho 2530 thửa đất; cấp mới giấy Chứng nhận 26574 giấy, số thửa tăng thêm 15007 thửa; cấp đổi giấy Chứng nhận 69295 giấy, số thửa tăng thêm: 80699 thửa; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai 73 đối tượng quản lý cho 869434 thửa; lồng ghép kết quả kiểm kê đất tổ chức 661 thửa đất; biên tập, in bản đồ địa chính từ tỷ lệ 1/2000, 1/5000 về tỷ lệ 1/1000, khối lượng 15078,2 ha; biên tập bản đồ tỷ lệ 1/10000 sau khi chỉnh lý, tiếp biên 18,9 mảnh; đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý giấy Chứng nhận và hồ sơ địa chính: 49403 hồ sơ.
Trên cơ sở khối lượng đã được điều tra khảo sát, tổng hợp từ các Thiết kế kỹ thuật - Dự toán thành phần và tình hình triển khai thực hiện Dự án tổng thể trong 3 năm (2008 đến 2010), sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hoàn chỉnh Điều chỉnh Dự án tổng thể, UBND tỉnh đã có Văn bản số 306/UBND-TNMT ngày 16/02/2012 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai thẩm định để tỉnh Lào Cai có cơ sở phê duyệt, triển khai công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thống nhất, hiện đại, có đủ cơ sở khoa học và tính pháp lý làm nền tảng cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp lâu dài của người sử dụng đất, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn của tỉnh Lào Cai./.
Cao Văn Long
Phó trưởng phòng Quản lý kỹ thuật Đo đạc và Bản đồ