Tình hình thực hiện Dự án “Thiết kế kỹ thuật - dự toán xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL địa chính đất nông, lâm trường quốc doanh”
Tình hình thực hiện Dự án “Thiết kế kỹ thuật - dự toán xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL địa chính đất nông, lâm trường quốc doanh”
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, quá trình hình thành và phát triển các Ban quản lý rừng chuyển đổi từ nông, lâm trường quốc doanh; của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh; các công ty nông, lâm nghiệp (sau đây được gọi là nông, lâm trường quốc doanh) trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã trải qua những giai đoạn khác nhau theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.
Hầu hết các nông, lâm trường quốc doanh từ khi thành lập đến nay đều có thay đổi về quy mô diện tích đất đai, thay đổi quy mô nhiệm vụ sản xuất, thậm chí một số đơn vị thay đổi về loại hình tổ chức thông qua việc thực hiện rà soát về ranh giới quỹ đất, sắp xếp, đổi mới và phát triển các doanh nghiệp, nông, lâm nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ theo hướng phù hợp với trình độ quản lý và đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội. Mặt khác, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện, thành phố, nhất là nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ngày càng tăng, trong khi diện tích đất thuộc các nông, lâm trường tương đối lớn nên một số nông, lâm trường đã trả lại một phần diện tích cho địa phương.
Hiện nay, việc quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh; chưa được chặt chẽ, hiệu quả thấp, còn để xảy ra nhiều tiêu cực như: sử dụng đất không đúng diện tích, không đúng mục đích; bị lấn, bị chiếm; cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái phép; giao khoán không đúng đối tượng; để hoang hóa v/v.
Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với đất nông, lâm trường quốc doanh còn những bất cập. Nhà nước chưa nắm chắc, quản lý chặt đất đai của các nông, lâm trường quốc doanh, các ban quản lý rừng, thể hiện rõ nét qua sự mâu thuẫn của các số liệu về diện tích đất đai đang được sử dụng trong công tác quản lý của ngành Tài nguyên và Môi trường và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng đất đai trong từng nông, lâm trường quốc doanh, nắm chắc quỹ đất và quản lý có hiệu quả đất đai nông, lâm trường quốc doanh, cần rà soát xác định lại ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính hiện trạng sử dụng đất trong từng nông, lâm trường quốc doanh cũng như xác định chính xác diện tích đất trả về địa phương của các nông, lâm trường quốc doanh để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng đất ổn định, bền vững, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường quốc doanh.
Thực hiện Văn bản số 1019/TTg-ĐMDN ngày 24/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh; Văn bản số 4043/BTNMT-TCQLĐĐ ngày/11/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới đất nông, lâm trường quốc doanh.
Nhận thức được tầm quan trọng công tác quản lý nhà nước đối với đất nông, lâm trường quốc doanh; căn cứ văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã thành lập tổ công tác, triển khai thu thập số liệu tại 17 đơn vị sử dụng đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn 9 huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ 9 huyện, thành phố, Vườn Quốc gia Hoàng liên; Ban QL Khu bảo tồn thiên nhiên - Văn Bàn; Công ty TNHHMTV lâm nghiệp Văn Bàn, Bảo Yên; Công ty TNHH lâm nghiệp Bảo Thắng; Đồn Biên phòng 267 A Mú Sung - Bát Xát thuộc BCH Biên phòng tỉnh Lào Cai; Công ty TNHH một thành viên chè Phong Hải, Thanh Bình (được gọi là nông, lâm trường quốc doanh). Về quy mô khối lượng đã điều tra thu thập và dự kiến thực hiện như sau:
- Đo đạc, cắm mốc đối với các nông, lâm trường: Công tác chuẩn bị 17 nông, lâm trường; tìm điểm gốc (điểm địa chính cơ sở) để phục vụ đo mốc ranh giới, đường ranh giới, đo chi tiết phần đất trả về địa phương quản lý 239 điểm; xác định đường ranh giới sử dụng đất 7722,07 km; Trích đo thửa đất nhỏ của Công ty TNHH MTV chè Thanh Bình 14 thửa đất; đo vẽ đường ranh giới sử dụng đất 7722,07 km; đúc mốc, chôn mốc vẽ sơ đồ vị trí mốc ranh giới: 6935 điểm; đo đạc tọa độ, độ cao, tính toán số liệu mốc ranh giới: 6935 điểm; thành lập bản đồ ranh giới, mốc ranh giới: 215.699,51 ha; lập hồ sơ ranh giới, mốc giới đất nông, lâm trường: 176 hồ sơ; đăng ký đất đai, cấp giấy Chứng nhận, chỉnh lý biến động đất đai: 191 giấy (cấp mới giấy Chứng nhận: 73 giấy; cấp đổi giấy Chứng nhận: 09 giấy; chỉnh lý biến động quyền sử dụng đất: 109 giấy); xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: 17 đối tượng quản lý;
- Đo đạc đất trả về địa phương quản lý của Công ty TNHHMTV lâm nghiệp Bảo Yên; Công ty TNHH MTV chè Phong Hải: Xây dựng lưới địa chính 06 điểm, tiếp điểm 02 điểm; đo vẽ bản đồ địa chính: 1456,8 ha.
Trên cơ sở số liệu thu thập được tổ công tác đã xây dựng Thiết kế kỹ thuật - dự toán “xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc ranh giới, mốc ranh giới, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL địa chính đất nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai”; đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản đề nghị các ngành tham gia, góp ý và Văn bản số 1412/TNMT-ĐĐBĐ ngày 23/12/2011 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai thẩm định để Sở có căn cứ trình UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt và triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành trong năm 2012./.
Cao Văn Long
Phó trưởng phòng Quản lý kỹ thuật Đo đạc và Bản đồ