image banner
Chồng chất khó khăn

LCĐT - Dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi và hiện chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn dịch lây lan và tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.

Tại xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng), dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh. Mỗi ngày có từ 1 đến 2 hộ có lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Ngày nhiều nhất, xã tiêu hủy hơn 20 con lợn, trọng lượng gần 2 tấn; chính quyền xã rất khó để huy động lực lượng và tìm địa điểm chôn lấp số lợn này.

Ông Ma Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang cho biết: Trước khi nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của xã là hơn 20.000 con. Sau hơn 1 tuần dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, hơn 1.000 con lợn đã phải mang đi tiêu hủy. Dịch lây lan nhanh khiến xã gặp khó khăn trong việc huy động lực lượng và bố trí địa điểm chôn lấp. Nếu tiêu hủy quá nhiều tại một nơi dễ gây ô nhiễm môi trường mặc dù thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc chữa và không có vắc-xin phòng bệnh, điều này đe dọa đến đàn lợn của tất cả các hộ trên địa bàn.

Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn bị dịch theo đúng quy định.

Tính đến nay, sau hơn 10 ngày bùng phát dịch tả lợn châu Phi, huyện Bảo Thắng đã tiêu hủy hơn 21,5 tấn lợn ở 26 hộ của 6 xã, thị trấn: Phong Hải, Xuân Quang, Phong Niên, Phú Nhuận, Xuân Giao, thị trấn Phố Lu. Trên phạm vi toàn tỉnh, kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên (ngày 18/5) đến hết ngày 3/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 310 hộ thuộc 32 xã, phường của 7 huyện, thành phố (Mường Khương, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên, Si Ma Cai, Bát Xát, thành phố Lào Cai), làm 2.398 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 135 tấn. Dịch có tốc độ lây lan nhanh, tập trung ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Để ngăn chặn và khống chế dịch tả lợn châu Phi, tỉnh đã thành lập hơn 30 chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn từ nơi khác vào địa bàn tỉnh và trong nội tỉnh. Các chốt kiểm dịch bao gồm cả cố định và lưu động, có các lực lượng: Công an, kiểm dịch động vật, dân quân địa phương, hoạt động 24/24 giờ và chốt chặn tại các trục đường giao thông ở 9 huyện, thành phố.

Tuy nhiên, việc tổ chức chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên các tuyến đường giao thông cũng gặp không ít khó khăn. Do lưu lượng phương tiện lưu thông qua địa bàn lớn nên chủ yếu kiểm soát được các phương tiện chở lợn sống; các xe có các sản phẩm thịt lợn cất giữ nhỏ lẻ, đóng gói kín rất khó phát hiện, kiểm soát. Ngoài các tuyến đường chính trên quốc lộ, tỉnh lộ thì còn rất nhiều tuyến đường liên huyện, đường nông thôn nên khó có thể kiểm soát hết. Bên cạnh đó, do lực lượng và thành phần tham gia tại các chốt đều phải làm việc gấp đôi thời gian so với bình thường nên khó đảm bảo về sức khỏe và duy trì lâu dài.

Chốt kiểm soát động vật tạm thời tại xã Sơn Hải (Bảo Thắng) hoạt động 24/24 giờ nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn ra, vào địa bàn.

Một khó khăn nữa phải kể đến là kiểm soát giết mổ. Hiện cả tỉnh chỉ có một cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện tại phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), còn lại là các hộ tổ chức giết mổ, kinh doanh nhỏ lẻ. Các hộ này xen lẫn trong khu dân cư nên chất thải sau giết mổ chủ yếu chảy vào hệ thống cống thoát nước, sông, suối, ao hồ, gây khó khăn cho việc kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, các sở, ngành của tỉnh và các địa phương cần tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền để người chăn nuôi, các hộ giết mổ lợn, kinh doanh nhỏ lẻ hiểu rõ về dịch bệnh, đồng thời giám sát chặt việc tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh để đảm bảo đúng quy trình, quy định; duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan. Bên cạnh đó, tỉnh cần áp dụng mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh sát với giá thị trường và có cơ chế phù hợp cho những người tham gia lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là tổ tiêu hủy lợn bệnh.

Nguồn: baolaocai.vn




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập