image banner
Nước mắt người chăn nuôi

LCĐT - Dù dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện tại vài xã trong tỉnh, nhưng mỗi lần đi cùng hội đồng tiêu hủy là một lần tôi cảm nhận rõ sự tuyệt vọng của người chăn nuôi.

Đã 11 năm chăn nuôi lợn, thậm chí mở rộng quy mô chăn nuôi từ nhỏ lẻ lên trang trại, phải đối mặt nhiều lần với dịch bệnh trên đàn gia súc, nhưng lần này, khi thấy vài con lợn trong chuồng sốt cao, rồi chết, chị Phạm Thị Dung (tổ dân phố số 5, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng) không cầm được nước mắt. Những ngày qua, trời nắng như đổ lửa, nhưng chị chỉ quẩn quanh trong các ô chuồng, bởi vài chục con lợn sốt cao, sờ tay vào chúng thấy nóng bỏng. Hai vợ chồng cùng con liên tục phun nước để giảm bớt cái nóng cho đàn lợn, rồi bê nước đến tận nơi cho chúng uống, thậm chí cả nhà quên cả ăn uống để chăm sóc chúng, nhưng không hiểu sao, một rồi hai con lợn lăn ra chết.

Khi đoàn kiểm tra của huyện đến nhà, chị Dung tất tả, đầu đội nón, mặt nhễ nhại mồ hôi, vừa nói vừa lau nước mắt: Đàn lợn nhà em có 125 con, trong đó có nhiều con từ 80 kg đến hơn 100 kg, suốt ngày vợ chồng, con cái có mặt tại khu chăn nuôi để chăm sóc, lo ăn, lo uống cho đàn lợn. Thấy chúng lớn nhanh, béo tốt, sắp đến thời kỳ xuất chuồng, gia đình mừng lắm, nhưng không ngờ…

Nói đến đây, chị Dung lại lấy vạt áo lau nước mắt. Đưa cán bộ thú y vào khu vực chăn nuôi lấy mẫu bệnh phẩm, chị bần thần nhìn đàn lợn, có con đã chết, con thì bị sốt nằm bẹp dưới nền, những con còn khỏe thì di chuyển chậm chạp dưới cái nóng 42 - 43 độ C.

Lợn nhà ông Nguyễn Văn Quang đem đi tiêu hủy.

Dù chờ đợi kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của cơ quan chuyên môn, nhưng với kinh nghiệm của người đã từng hơn chục năm nuôi lợn, chị Dung đã biết điều xấu nhất đến với đàn lợn của gia đình mình. Trang trại của gia đình chị có 125 con lợn, tổng trọng lượng khoảng 10 tấn, nếu điều xấu nhất xảy ra thì gia đình chị bị thiệt hại vài trăm triệu đồng. Sau một ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm mà dài như cả năm, khi tôi liên hệ với chị Dung, điều đầu tiên tôi nhận được đó là những cái thở dài ngao ngán, bởi theo kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn, mẫu bệnh phẩm lấy tại trang trại chăn nuôi của gia đình chị dương tính với dịch tả lợn châu Phi. “Thế là hết, gia đình tôi không biết phải làm sao đây”, chị Dung nghẹn ngào.

Trước giờ chờ đợi quyết định tiêu hủy, ông Nguyễn Văn Quang (thôn Liên Hà 7, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên) ngậm ngùi trò chuyện với các thành viên của đoàn kiểm tra. Mặc dù vẫn vui vẻ nói cười, nhưng trong mỗi lời nói tôi cảm nhận rõ ông đang rất buồn. Lau vội mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, ông Quang kể lại: Tối qua, khi biết tin lợn nhà mình có kết quả dương tính với dịch tả châu Phi và có thông báo về việc tiêu hủy, sáng sớm ngủ dậy, tôi phải bảo vợ lên nhà người quen để bà ấy không bị sốc. Mình là đàn ông có thể chịu được, chứ đàn bà yếu đuối… thì nhìn cảnh này không chịu nổi đâu.

Nhà ông Quang có 3 con lợn đực giống, trị giá hiện tại khoảng 100 triệu đồng, hằng tháng cho gia đình nguồn thu nhập ổn định từ việc lợn phối giống cho các hộ chăn nuôi trong thôn, xã và các xã lân cận. Ngoài ra, nhà ông còn có 5 con lợn nái tuyển, mỗi con trị giá 15 triệu đồng. Cả 5 con lợn nái tuyển mỗi năm sinh sản được 13 đàn lợn giống (mỗi con đẻ hơn 2 lứa một năm), mỗi đàn từ 15 đến 18 con lợn giống sắp bị tiêu hủy. Buồn nhất là ngay đêm hôm trước, trong đàn lợn nái có một con đẻ được 15 con mà cũng phải tiêu hủy. Dù là vật nuôi, nhưng nó là nguồn sống của gia đình, nên xót xa lắm. Ông Quang nói: Có ít sào ruộng nước thì cho người trong thôn mượn cấy lúa rồi. Cũng vì chăn nuôi đang ổn định, có thu nhập nên vợ chồng tôi chỉ tập trung vào chăn nuôi lợn thôi. Ai ngờ nên cơ sự… Giờ thì phải tiêu hủy hết, cũng không biết bao giờ mới tái được đàn.

Tiêu hủy lợn bị dịch bệnh tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương.

Nhìn dáng người và khuôn mặt khắc khổ của ông Quang cứ chạy đi chạy lại ra phía khu chuồng nuôi có đàn lợn đang chờ tiêu hủy, tôi hiểu, có thể đàn ông sẽ không khóc thành tiếng khi “của đau, con xót” nhưng chắc hẳn ông cũng đang nuốt những giọt nước mắt vào lòng. Vẫn biết là rủi ro không ai mong muốn, nhưng với những gia đình chăn nuôi thì đó là tài sản, là nguồn sống, thậm chí từ vốn vay ngân hàng để tạo sinh kế cho gia đình…

Ông Quang còn bảo: Mặc dù sẽ thiệt hại khoảng 200 triệu đồng sau đợt tiêu hủy, nhưng tiếc nhất là 3 con lợn đực giống cùng 5 con lợn nái đang là nguồn sống của cả gia đình, trông chờ hết vào đấy. Tiền mua thức ăn gia súc trả chậm cũng đang nợ đại lý. Giờ lợn mắc dịch, không biết xoay đâu mà trả. Chắc sau đợt này, tôi phải đi làm phụ hồ hoặc làm thuê công việc gì đó để có tiền trang trải cuộc sống.

Nhìn chị Dung, ông Quang vừa lau mồ hôi, vừa lau nước mắt, tôi hiểu được vị chát mặn mà họ đang phải nếm trải với nghề chăn nuôi liên tục sóng gió vì bão giá, bệnh dịch vài năm qua.

Nguồn: baolaocai.vn




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập